-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Điểm mặt những vị trí gây thấm dột trong nhà
14/12/2017 Đăng bởi: Hacowa CompanyTừ lâu chống thấm xây dựng trở thành một vấn đề được hầu hết chủ đầu tư coi trọng. Bởi công trình khi đưa vào sử dụng nếu bị thấm dột sẽ gây thiệt hại về kinh tế và chất lượng công trình. Do vậy, chúng ta cần phải nắm bắt được những hạng mục công trình nào có khả năng bị thấm dột nhiều nhất để có kế hoạch chống thấm hiệu quả.
Có hai dạng cấu trúc công trình có thể sẽ bị thấm là cấu trúc ngầm và cấu trúc nổi. Ngầm như tầng hầm; cấu trúc nổi như tường ngoài, nhà vệ sinh, phòng tắm, ban công, bồn hoa, sênô (máng xối), hồ nước, hồ bơi, hệ thống mái... Tựu trung, những nơi tiếp xúc trực tiếp môi trường tự nhiên, thường phải đối mặt với nắng mưa thì dễ gây thấm, nhất là xứ nhiệt đới.
Những phần công trình dễ bị thấm
Những phần công trình chịu tác động của tự nhiên (nước mưa, nước ngầm), và phần công trình liên quan tới trữ, sử dụng nước. Về mặt kiến trúc có thể phân loại như sau:
- Các phần bị thấm bởi nuớc ngầm: tầng hầm chìm trong đất, móng, chân tường…
- Các phần bị thấm bởi nước mưa: tường, mái, sàn ban công, lô gia…
- Các phần bị thấm bởi nước sử dụng (cả cấp và thoát): sàn, tường, hộp kỹ thuật… các khu vệ sinh và khu vực liên quan.
- Các khu vực liên quan tới bể chứa: bể phốt, bể nước (ngầm, nổi), bể bơi…
Các vị trí xung yếu cụ thể
Nước thấm qua các kẽ hở trên bề mặt và cấu trúc vật liệu, nhưng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào đặc tính vật liệu mà chúng ta sử dụng. Ở đây chúng tôi muốn đề cập tới một vấn đề khác - cụ thể hơn, thường xảy ra trong quá trình xây dựng và sử dụng công trình: đó là các vị trí xung yếu, hay xảy ra vết nứt, khe, lỗ… tạo điều kiện thẩm thấu dẫn đến hiện tượng thấm. Đó là:
- Vị trí mạch ngừng khi đổ bê tông.
- Vị trí tiếp giáp giữa khối xây (tường gạch) và kết cấu bê tông.
- Vị trí tiếp giáp giữa khối xây trước - sau, khối xây cũ - mới (truờng hợp cải tạo).
- Vị trí tiếp giáp giữa hai khối công trình xây sát nhau.
- Vị trí tiếp giáp trên bề mặt có sử dụng các loại vật liệu khác nhau.
- Chân các kết cấu, thiết bị chôn hay lắp ráp vào tường (hoa sắt, nan chắn nắng, dây chống sét…).
- Chân các vị trí liên kết định vị tấm mái nhẹ (bu lông, vít).
- Miệng phễu thu thoát nước (ở sàn vệ sinh, sàn ban công, lô gia, sân thượng, mái…).
- Khu vực gần sê nô, máng tràn.
- Vị trí đấu nối các ống cấp thoát nước.
Khi đã hiểu về kỹ thuật xây dựng và chống thấm, chúng ta cần đưa ra những phương án chống thấm phù hợp nhất. Để đạt được hiệu quả chống thấm, chúng ta nên lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công chống thấm uy tín theo sát công trình từ những ngày đầu.
Phan Phương (tổng hợp)