-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

Độ khô của keo quan trọng như thế nào trong dát vàng?
18/07/2025 Đăng bởi: Hacowa CompanyTrong nghệ thuật dát vàng, nơi không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ mà kỹ thuật dát cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi với mỗi chất liệu bề mặt, mỗi sản phẩm vật liệu dát vàng lại có đặc điểm và yêu cầu về kỹ thuật khác nhau. Đặc biệt là keo dát vàng, không đơn giản chỉ là loại keo bạn dùng mà còn là độ khô của keo vào thời điểm dặm vàng. Đây chính là thời điểm vàng quyết định không nhỏ đến độ sáng bóng và độ bền của lớp vàng. Trong bài viết này, hãy cùng Hacowa tìm hiểu về sự quan trọng của độ khô keo trong dát vàng.
Tại sao độ khô của keo dát vàng lại quan trọng đến vậy?
Keo dát vàng là loại keo chuyên dụng dùng để gắn kết lá vàng với bề mặt đồ vật cần dát. Với đặc thù dán lá vàng rất rất mỏng và dễ vỡ nên keo dát vàng cũng có những đặc điểm khác so với các dòng keo dán khác trên thị trường. Nếu như với các dòng keo thông thường, khi lấy keo ra cần nhanh chóng cho keo tiếp xúc với hai bề mặt để đạt hiệu quả bám dính thì với keo dát vàng, sau khi quét keo lên bề mặt cần đợi keo khô một phần mới dán lá vàng. Với mỗi dòng keo lại có thời gian chờ keo khô và độ khô đạt khác nhau. Vậy tại sao độ khô của keo dát vàng lại quan trọng đến vậy?
Thứ nhất, giúp lớp vàng được sáng bóng
Nếu keo khô đạt chuẩn, tức là không bị ướt cũng không bị khô quá thì sẽ cho ra lớp vàng sau dát sáng bóng, căng mịn. Độ sáng bóng cũng sẽ khác nhau ở từng loại keo. Tức là cùng đạt độ khô phù hợp nhưng tùy mỗi loại keo sẽ cho ra độ sáng bóng bề mặt khác nhau. Nếu keo còn ướt đã ốp lá vàng thì chắc chắn bề mặt vàng sẽ bị nhăn, có thể xỉn màu và mất đi độ sáng bóng.
Thứ hai, làm tăng độ bền của lớp vàng
Keo dát vàng sẽ phát huy được tác dụng bám dính tốt khi dán vàng lúc keo khô đạt. Nếu keo ướt không chỉ làm nhăn vàng mà còn khiến vàng bị trơn trượt trên nền keo, không bám chắc được. Nhưng nếu keo khô quá thì làm giảm hoặc mất đi khả năng bám dính. Lúc này vàng bám không được chắc, chỉ cần thổi mạnh hoặc rửa nước là vàng sẽ trôi tuột ra khỏi bề mặt đồ vật.
Keo khô bao lâu là đạt?
Trên thị trường có rất nhiều loại keo đến từ các nhà sản xuất khác nhau. Tùy vào mỗi loại keo và sử dụng để dát loại vàng nào sẽ có thời gian khô keo dài hay ngắn. Với các dòng keo gốc nước thì có thể dùng máy sấy tóc sấy khô, rút ngắn thời gian chờ keo chỉ còn vài phút. Còn dòng keo gốc PU thì bắt buộc phải để khô tự nhiên. Thời gian chờ keo có thể ngắn 1,2 tiếng, cũng có thể kéo dài cả chục tiếng, điều này phụ thuộc vào loại keo.
Thời gian chờ keo khô không cố định vì nó còn phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố khác, đặc biệt là thời tiết. Nếu độ ẩm không khí cao, ít gió, nhiệt độ thấp…thì keo sẽ lâu khô. Ngược lại nếu trời hanh khô, nắng nóng keo sẽ khô nhanh hơn. Ngoài ra, yếu tố độ dày mỏng của lớp keo, độ đặc loãng của keo cũng ảnh hưởng đến thời gian chờ khô keo. Do vậy, để biết chính xác thời điểm keo khô đạt thì ngoài thông tin từ phía nhà cung cấp, bạn cần chủ động kiểm tra keo thường xuyên.
Làm thế nào để kiểm tra độ khô keo?
Cách nhanh và hiệu quả nhất để kiểm tra độ khô keo trong dát vàng chính là dùng tay để cảm nhận. Bạn chỉ cần chạm nhẹ tay lên bề mặt keo, nếu keo có độ bám dính, khi nhấc tay ra mà không bị bám keo ra tay là đạt.
Xét về độ khô, có hai dòng keo: khô kiệt và không khô kiệt. Tức là, keo khô kiệt thì sau một khoảng thời gian nhất định keo sẽ khô hoàn toàn, không còn chút bám dính nào nữa. Còn với keo không khô kiệt, thời gian cầm keo rất lâu, sau khoảng thời gian dài keo vẫn có độ bám dính, chỉ là giảm đi phần nào. Khi kiểm tra keo bằng tay, với keo khô kiệt cảm giác keo sẽ ráo hơn, độ bám dính ít hơn so với các loại keo không khô kiệt. Đây cũng là lưu ý với những thợ mới dát vàng để có thể kiểm tra được chính xác thời điểm keo khô đạt.
Khi kiểm tra keo bằng tay bạn cũng cần lưu ý tay phải hoàn toàn khô ráo, sạch sẽ. Chỉ nên dùng phần ngón tay chạm chẹ và chỉ chạm một điểm trong mỗi lần kiểm tra keo. Việc chạm tay quá nhiều lần vào bề mặt keo có thể để lại vệt tay.
Mẹo nhỏ để kiểm soát độ khô của keo tốt hơn
- Không nên dát vàng vào những ngày thời tiết nồm ẩm, keo lâu khô hoặc không thể đạt độ khô lý tưởng khiến lớp vàng giảm độ sáng bóng. Nếu bắt buộc phải dát vàng vào những ngày như này thì nên sử dụng keo gốc nước để dùng máy sấy tóc hỗ trợ khô nhanh hơn. Nếu sử dụng keo gốc PU thì nên dát trong phòng kín có máy hút ẩm.
- Tùy vào việc bạn dát vàng gì (vàng công nghiệp hay vàng thật 24K, vàng lá dai hay lá giòn…) mà canh keo cho phù hợp. Với vàng thật 24K thì nên sử dụng dòng keo khô kiệt và để keo khô hơn so với dát vàng công nghiệp.
- Với các bề mặt có độ thấm hút như thạch cao, giấy, vải thì không sử dụng keo gốc PU do keo sẽ bị hút khô toàn bộ. Bạn nên chọn keo dát vàng gốc nước hoặc sử dụng sơn lót như sơn chống co keo, quét một lớp sơn đủ dày trước khi quét keo để ngăn keo thấm xuống bề mặt.
- Với những bạn mới dát vàng hoặc sử dụng loại keo dát vàng mới thì nên test độ khô keo trước khi thực hiện dát trên đồ vật.
- Khi dát vàng trên công trình hay những sản phẩm lớn mà chọn loại keo khô kiệt có thời gian cầm keo ngắn thì nên thực hiện từng phần. Điều này tránh việc chưa kịp dát vàng keo đã khô quá, không còn bám dính vàng.
Trong kĩ thuật dát vàng, canh keo là bước vô cùng quan trọng. Nếu bạn làm tốt ở bước này không những có được sản phẩm dát vàng bền đẹp mà còn tiết kiệm thời gian, vật liệu và nhân công. Để được hỗ trợ về các sản phẩm vật liệu dát vàng như lá vàng, keo dát vàng, phủ bảo vệ vàng hay kĩ thuật thi công thì hãy liên hệ Hacowa!
Hotline/zalo: 0773494952