Những tình huống xảy ra và cách xử lý khi dát vàng trên gỗ

 12/09/2024  Đăng bởi: Hacowa Company

Dát vàng trang trí tuy không khó nhưng tùy chất liệu sẽ có những cách xử lý khác nhau để đảm bảo vàng được sáng bóng nhất. Khi dát vàng trên gỗ có những vấn đề xảy ra mà người thợ dát vàng phải biết và khắc phục nó. Hãy cùng Hacowa tìm hiểu những tình huống và cách xử lý khi dát vàng trên gỗ.

1. Keo trơn trượt không bám đều vào bề mặt gỗ

Theo cách gọi trong dát vàng thì keo trơn trượt không bám đều vào bề mặt gỗ sau khi quét/phun gọi là hiện tượng co keo. Điều này dẫn đến chỗ thì có, chỗ thì không có keo mặc dù trước đó đã quét rất đều. Hiện tượng này xảy ra do lớp sơn nền quá trơn bóng, keo không thể bám được vào bề mặt. Khi sử dụng một số dòng keo dát vàng gốc PU trên gỗ sẽ dễ xảy ra hiện tượng co keo hơn so với keo gốc nước….

Cách xử lý:

Tốt nhất trước khi dát vàng nên quét thử keo một vùng nhỏ để xem bề mặt có quá trơn bóng dẫn đến hiện tượng co keo hay không. Nếu đã lỡ quét keo một phần lớn mới phát hiện ra thì nên dùng khăn có tẩm xăng thơm lau nhẹ để làm sạch tương đối keo đã quét trước đó.

Khi dát vàng gặp hiện tượng co keo, có 2 cách để xử lý:

- Cách 1: Sử dụng sơn chống co keo:

Đây là sản phẩm sơn lót gốc PU có màu vàng. Khi gặp hiện tượng co keo, các bạn hãy quét/phun một lớp sơn chống co keo lên các vị trí muốn dát vàng. Sơn này có thể pha thêm xăng thơm để đạt độ loãng phù hợp trước khi sử dụng. Đợi lớp sơn khô hoàn toàn thì tiến hành quét keo đè lên như bình thường. Sơn chống co keo giúp lớp keo được bám đều vào bề mặt, tạo hiệu ứng giúp vàng sau dát được sáng bóng hơn.

- Cách 2: Tiến hành phun sơn lại

Nếu không có sơn chống co keo thì nên phun sơn lại bề mặt gỗ. Điều chế sơn giảm bớt thành phần chất làm cứng để lớp nền không bị trơ bóng quá.

Ngoài ra có một số cách như dùng xăng thơm lau tẩy hoặc mài nhẹ bề mặt cho bớt trơn bóng nhưng thực tế cho thấy chưa thực sự hiệu quả.

2. Keo không bám dính hoặc giảm độ bám dính

- Do keo bị hút: Với đồ gỗ nếu không phun sơn đều khắp, chỗ ít chỗ nhiều sơn thì với những chỗ lớp sơn lót quá mỏng sẽ bị hút keo dát vàng. Do bản chất gỗ là vật liệu có độ thấm hút, đặc biệt khi sử dụng keo gốc PU thì độ hút keo lại càng rõ rệt. Vì vậy cần chú ý phun sơn lót cho gỗ trước khi dát thật đều ở tất cả các vị trí cần dát vàng và đảm bảo lớp sơn đạt độ dày phù hợp.

- Do keo khô quá: Với từng loại keo dát vàng sẽ có thời gian khô khác nhau. Độ khô của các loại keo cũng không giống nhau. Có những dòng keo có khả năng khô hoàn toàn, khô kiệt sau một khoảng thời gian, nhưng cũng có dòng chỉ khô một phần, cho dù để thời gian lâu vẫn có độ bám dính nhất định.

Vì vậy, với những dòng keo khô kiệt thì phải canh thời gian keo khô khi thực hiện dát vàng để đảm bảo keo khô vừa đủ. Nếu keo còn ướt thì vàng bị nhăn, xỉn màu; nếu keo khô quá thì không dính vàng hoặc giảm độ bám dính.

3. Lớp vàng dát bị nhăn, xỉn, không sáng bóng

Nguyên nhân đầu tiên khiến vàng bị nhăn, xỉn không sáng bóng là do keo chưa khô đủ độ. Lúc này keo còn ướt, bạn nên để thêm thời gian. Với dòng keo gốc nước thì có thể sử dụng máy sấy để sấy khô, rút ngắn thời gian chờ đợi.

4. Vàng dát không đều, chỗ có chỗ không

Loại trừ nguyên nhân do keo bị hút hết, không có khả năng bám dính vàng thì nguyên nhân vàng dát không đều là do yếu tố chủ quan của người thi công. Khi dát vàng các chi tiết hoa văn nhỏ hoặc dát trên các bề mặt tối màu thì người thi công rất dễ quét sót keo. Sau khi dát vàng, những chỗ không có keo thì không có vàng. Lúc này, chỉ cần vệ sinh sạch bụi vàng vừa dát rồi tiến hành quét bù keo vào các vị trí còn thiếu rồi thực hiện dát vàng như bình thường.

5. Bụi vàng bám chặt khó làm vệ sinh

Một trong những vấn đề mất nhiều thời gian công sức xử lý khi dát vàng trên gỗ là tình trạng bụi vàng bám chặt xung quanh vị trí dát vàng khó làm sạch. Thông thường chỉ những chỗ có keo vàng mới bám dính, phần bụi vàng thừa có thể dễ dàng làm sạch bằng các dụng cụ thông thường như chổi, máy hút bụi, máy xịt hơi. Thế nhưng có những trường hợp không thể làm sạch được thì chúng ta cần xử lý như thế nào?

Nguyên nhân:

- Do lớp sơn lót chưa khô hoàn toàn, lớp sơn lót cho quá ít thành phần chất làm cứng.

- Do đặc điểm bề mặt sản phẩm quá nhiều chi tiết với bề mặt sần sùi nên khó làm vệ sinh.

- Do độ ẩm không khí tại thời điểm dát vàng quá cao

- Do lem keo ra các vị trí xung quanh

Cách xử lý:

Ưu tiên thực hiện dát vàng vào những ngày nắng đẹp hoặc những nơi khô ráo.

Trước khi dát vàng cần kiểm tra bề mặt sản phẩm đã đủ điều kiện để dát vàng chưa bằng cách: lấy một lá vàng đặt vào bề mặt rồi xoa nhẹ cho lá vàng vỡ ra. Nếu khi dùng chổi phủi mà bụi vàng bay hết là được, còn bụi vàng vẫn bám chặt khó làm sạch thì cần xử lý lại bề mặt.

Trường hợp đã dát vàng xong rồi mới phát hiện ra bụi vàng bám không xử lý được thì có thể dùng băng dính để dính bụi vàng từng chút một. Nếu không đạt hiệu quả thì nên tiến hành phun sơn phủ đi và dát vàng lại.

- Với lý do lớp sơn lót chưa khô thì để thêm cho khô hoàn toàn. Nếu do pha sơn tỉ lệ thành phần chất làm cứng quá ít thì điều chỉnh tăng thêm tỉ lệ rồi tiến hành phun sơn lại và đợi khô hoàn toàn.

- Nếu do lem keo nên bụi vàng dính vào khó xử lý thì có thể dùng xăng thơm lau nhẹ nhàng những chỗ có keo lem.

- Nếu nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm bề mặt sản phẩm thì nên dùng băng dính dán che những vị trí xung quanh không cần dát vàng. Trong trường hợp không thể dùng băng dính thì ưu tiên dùng sản phẩm “ Màng chống bám dính bụi vàng”. Đây là một sản phẩm đặc biệt của Hacowa, ban đầu màng có dạng lỏng hơi sệt để quét lên các vị trí xung quanh chỗ dát vàng, khi khô sẽ như silicon dẻo có thể bóc tách dễ dàng mà không làm ảnh hưởng đến bề mặt sản phẩm. Màng này phù hợp sử dụng trên các bề mặt khó xử lý bụi vàng hoặc các sản phẩm có giá trị cao, sản phẩm điện tử cần được bảo vệ.

7. Vàng bị bong tróc sau thời gian sử dụng

Có những trường hợp sau khi dát vàng và sử dụng vài tháng đến một năm xảy ra hiện tượng vàng bị bong tróc ra thành từng mảng lớn khá cứng. Lúc này bắt buộc phải mài bỏ lớp vàng cũ và dát lại từ đầu.

  • Nguyên nhân:

- Do sử dụng keo kém chất lượng, độ bám dính không cao và thời gian bám dính ngắn.

- Do phủ bảo vệ quá dày, lớp phủ về sau khô cứng và co lại, kéo theo lớp vàng, mà keo dính kém nên bong thành từng mảng.

  • Cách xử lý:

Lựa chọn loại keo dán vàng chất lượng, tuổi thọ keo lâu. Ngoài ra khi phủ bảo vệ nên phủ vừa phải, không phủ quá dày. Chọn loại phủ bảo vệ phù hợp, chuyên dùng trên vàng để đảm bảo không co kéo vàng.

 

Viết bình luận của bạn: